Hoạt động ca nhạc Lê_Uyên

Lâm Phúc Anh gặp nhạc sĩ Lê Uyên Phương tại Đà Lạt và đến năm 1968 thì hai người thành hôn. Họ trở thành đôi tình nhân song ca nổi tiếng. Vì Lâm Phúc Anh không muốn dùng tên thật nên lấy nghệ danh là Lê Uyên, cắt từ chữ Lê Uyên Phương. Hai người khi song ca được gọi là Lê Uyên và Phương.

Trong những năm đầu cùng nhau đi hát, Lê Uyên và Lê Uyên Phương chỉ giới hạn phạm vi hoạt động của mình trong khuôn viên các trường đại học trước khi chính thức lấy tên Lê Uyên và Phương vào năm 1969, sau lần trình diễn tại quán Thằng Bờm của phong trào Du Ca Việt Nam. Những năm đầu thập kỷ 1970, từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên và Phương đã đem một luồng gió mới đến với tân nhạc Việt Nam. Trong những năm khốc liệt nhất của cuộc Chiến tranh Việt Nam, Lê Uyên và Phương, với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải đôi khi bàng bạc, triết lý đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt.

Năm 1979, Lê Uyên và Phương vượt biển rời Việt Nam sang đến Pulau Bidong rồi định cư ở California, Hoa Kỳ. Họ có hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Năm 1984-1985, Lê Uyên bị trúng đạn lạc của hai băng đảng đấu súng trước quán cafe của gia đình. Sau đó, bà mất 4 năm để điều trị, dưỡng thương.[1] Sau thời gian đó, bà cùng chồng xuất hiện trở lại trên những chương trình video của các trung tâm Làng Văn, Thúy Nga và nhất là Asia đã được khán thính giả đón nhận một cách nồng nhiệt.

Sau khi Lê Uyên Phương qua đời năm 1999, Lê Uyên đã đứng ra thực hiện được hai CD gồm một số ca khúc của Lê Uyên Phương. CD thứ nhất là Yêu nhau khi còn thơ gồm những nhạc phẩm đầu tay của Lê Uyên Phương sáng tác từ đầu thập niên 1960, phần lớn được ra đời ở Pleiku là nơi Lê Uyên Phương đã từng dạy học một thời gian, trước khi trở về Đà Lạt. CD thứ hai nhan đề Tình như mây cõi lạ, gồm 9 nhạc phẩm trong tổng số trên 40 bài nhạc phổ từ thơ của Lê Uyên Phương.